Skip to main content

Đuổi học 7 học sinh vì nói xấu thầy cô: Những đứa trẻ thì bất ổn, nên người làm thầy phải vững chãi

Sau khi ra quyết định đuổi học 7 em học sinh vì nói xấu cô giáo chủ nhiệm trên Facebook, một trường trung học tại Thanh Hóa đã phải thu hồi quyết định này bởi sự phản ứng khá gay gắt của cộng động. Lâu nay người ta vẫn tranh luận về việc có nên đuổi học những em học sinh vi phạm đạo đức và kỷ luật nghiêm trọng hay không. Bởi môi trường giáo dục cần sự uy nghiêm, nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng nên những con người tử tế bằng sự bao dung vô lượng.

Tôi không có ý định đưa ra một lời phán xét rằng đuổi học học sinh là đúng hay sai, bởi đúng sai trong trường hợp này chỉ là tương đối và mọi chuyện đều đã được sửa chữa lại kịp thời. Chỉ là muốn suy nghĩ một chút, đặt mình vào vị trí người giáo viên. Liệu tôi có thể chịu đựng được những lời lẽ xúc phạm, vu khống từ chính học trò của mình? Liệu tôi có thể vượt qua được cảm giác thất vọng, cay đắng để tiếp tục yêu thương các em? Chắc chắn là sẽ rất khó khăn.

Nhưng cuối cùng, người làm thầy, chẳng phải vẫn phải quay trở lại với trách nhiệm của mình. Trách nhiệm do tự mình đặt ra chứ chẳng phải xã hội hay gia đình các em có thể ép lên mà được. Đó là trách nhiệm dạy trẻ làm người tốt trước khi làm người giỏi giang.

Những đứa trẻ thì bất ổn, nên người làm thầy phải vững chãi

Hồi ký của một người Thầy đã đạt giải thưởng Pulitzer – một trong những giải báo chí danh giá nhất, đã từng trở thành một hiện tượng đối với những người làm giáo dục trên thế giới. Thầy giáo Mỹ gốc Ireland, Frank Mc.Court đã viết rất chân thật về cuộc đời làm giáo viên, trong đó những năm đầu là trải nghiệm tại ngôi trường có nhiều học sinh bất hảo với bố mẹ là những người thuộc đáy xã hội Mỹ.

Không phải là một người được đào tạo sư phạm bài bản, ông có bằng để làm giáo viên nhờ luật G.I hỗ trợ các quân nhân trở về từ Thế chiến II. Con đường làm thầy của Frank đầy gian nan và cũng gặp nhiều trường hợp học sinh phản kháng dữ dội. Nhưng sau mỗi một biến cố, mỗi một nỗi thất vọng và thất bại, thầy Frank đều tìm lỗi nơi bản thân, rút ra một bài học để dần chạm đến trái tim mỗi đứa trẻ và khơi gợi lên sự thiện lương, nuôi dưỡng niềm tin và ý chí trong chúng.

Frank từng là quân nhân, và khi đứng vai trò làm thầy, ông mới hiểu được trách nhiệm của giáo dục, mọi thứ bắt đầu từ yêu thương. (Ảnh: linkedin.com)

Có một lần thầy Frank gọi điện cho phụ huynh học sinh vì em đã gây gổ đánh nhau ở trường. Ngày hôm sau ông bố đến trường đánh con trai ngay trong lớp, trước mặt thầy. Thầy nhận ra rằng đừng bao giờ mách phụ huynh hay bắt học sinh phải trình diện ở văn phòng giám hiệu về một lỗi lầm nào không nghiêm trọng. Trên hết, người thầy phải không tiếc thời gian để lắng nghe từng cá tính khác nhau trong lớp của mình.

Bởi ông đã dùng trái tim biết đặt vào vị trí học sinh của mình để cảm nhận sự ê chề, cảm giác bị xúc phạm mà những tâm hồn non nớt chưa có nhiều kinh nghiệm sống phải trải qua. Chúng chưa đủ trí lực để tự nhận thức, mọi tổn thương sẽ bị phóng đại quá mức, có thể trở thành thù hận và phản kháng một cách phi lý.

Điều người lớn cần làm là xoa dịu và làm điểm tựa đủ chắc chắn cho các em, để các em có thể tin tưởng và muốn thổ lộ. Đó là điều đầu tiên cần để chúng ta có thể đưa những ý kiến của mình, kinh nghiệm sống, cảm hứng sống đúng và sống tốt vào thế giới hỗn độn, mất cân bằng trong đầu những đứa trẻ.

Không có giao tiếp và lắng nghe, thì chẳng bao giờ bạn thành công trong việc uốn nắn một đứa trẻ. Và việc uốn nắn người trẻ, tất nhiên là trách nhiệm của tất cả mọi người trong một xã hội chứ chẳng riêng người thầy. Nhưng người thầy khi lựa chọn nghề giáo, đã tự đặt lên vai mình sứ mệnh thay mặt xã hội xây dựng nên thế hệ nối tiếp tử tế và đủ năng lực nhận thức điều tốt xấu, đúng sai. Khi nghĩ đó là sứ mệnh, chứ không phải chỉ là một công việc để kiếm tiền, thầy giáo chắc chắn sẽ muốn dùng trái tim chân thành của mình để hoàn thành sứ mệnh. Mà đã là sứ mệnh, thì luôn đòi hỏi sự hy sinh, bởi ta làm đâu phải vì lợi ích bản thân, vì lợi ích của người khác thì mới có thể gọi là sứ mệnh được.

Ở các nước Âu, Mỹ chúng ta có thể bắt gặp giáo viên vừa ăn trưa vừa tán gẫu với học sinh và trong mỗi tiết học sự tương tác gần như không có khoảng cách. (Ảnh: Twitter)

Làm thầy phải hy sinh

Cái hy sinh của nghề giáo đâu phải ở mỗi việc thức khuya dạy sớm lên giáo án, đâu phải chỉ ở việc nói ra rả cả ngày để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đối tượng tiếp xúc hàng ngày là những đứa trẻ ngây ngô non nớt – có, ngỗ ngược bất trị – có, chậm chạp tiếp thu kém – có, giảo hoạt không trung thực – cũng có… Một xã hội thu nhỏ với đủ mọi thành phần, trạng thái hội tụ trong một lớp học mà người thầy phải chịu trách nhiệm. Để dạy dỗ từng đó cá tính khác biệt thành người tốt, nào đâu phải chuyện chỉ nói những thứ giáo điều là các em sẽ tự hiểu! 

Làm thầy giáo, chắc chắn phải từ bi rất nhiều. Nói từ bi, mấy ai hiểu từ bi là gì? "Từ" nghĩa là chia sẻ, yêu thương, "Bi" chính là hy sinh. Là hy sinh cảm giác tổn thương, tức giận khi gặp học trò ngỗ ngược, hỗn hào. Là hy sinh cảm giác sốt ruột, bất lực khi dạy mãi trò chẳng hiểu. Cũng là hy sinh cảm thụ của cái tôi mà hướng tới cảm thụ của học trò.

Có giáo viên nói rằng "cảm giác bị xúc phạm ấy cả đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được" khi kể lại việc bị học trò bôi nhọ, nói xấu bằng truyền đơn cho toàn trường. Tất nhiên sự việc được báo cáo lên lãnh đạo nhà trường và học sinh bị đuổi học. Chắc hẳn, cảm giác của cô, của lãnh đạo nhà trường trước thái độ khó chấp nhận được của học sinh đã đóng một vai trò không hề nhỏ trong quyết định đuổi học em ấy. Nhưng cảm giác của một người trưởng thành tự tại quan trọng hơn tương lai của một đứa trẻ đang hỗn loạn và bấp bênh sao?

Cách đây không lâu dư luận cũng đã rất bất bình trước màn đấu khẩu của một giáo viên Tiếng Anh, có lẽ bài học về đạo đức và lòng bao dung của người làm thầy chưa bao giờ có hồi kết. (Ảnh: Lao Động)

Muốn từ bi phải có Nhẫn, Nhẫn không phải nhẫn nhịn, nhẫn nhục, mà là xả bỏ cảm giác thống khổ, oán giận của cá nhân để bình thản, ổn định trước bất công mà người khác gây ra cho mình. Ông cha ta xưa học chữ Nhẫn (忍) gồm chữ nhận (刃 – lưỡi đao) trên chữ tâm (心 – tim), không có ý rằng nhẫn là phải nén đau khổ như có đao cứa vào tim. Mà Nhẫn thật sự là gột bỏ được cảm giác phẫn uất trong tim mình.

Trò càng oán hận, ta càng phải nghiêm túc đức hạnh

Đã là người thầy, sao có thể oán học trò vì sự u minh thiếu đạo học của chúng. Mà chẳng phải sự thiếu đạo học của học trò chính là một phần trách nhiệm của người thầy sao. Hơn nữa khi bị học trò nói xấu, chẳng phải người thầy trước tiên phải nhìn lại mình sao?

Trong Thượng Thư ghi lại lời Chu Công nhắc nhở Chu Thành Vương rằng: "Người xấu oán hận ngài, trách mắng ngài, như vậy ngài cần phải nghiêm túc đức hạnh". Nếu như người thầy luôn biết hướng vào nội tâm mình để tu sửa bản thân cho ngày càng chính thì sẽ chẳng để tâm tới những cảm giác thất vọng hay cay đắng mà trò gây ra cho mình. Còn nếu thật sự mình trong sạch và không có chỗ nào phải sửa lại thì chẳng phải nên là dành tâm sức để sửa cho kẻ học trò khiếm khuyết thay vì buồn lòng, oán ghét chúng.

Người xưa nói "Nhân giả, nhân dã", thành tựu đức nhân mới là con người đích thực. Khổng Tử cũng nói: "[Là phận] con em, vào thì hiếu thảo [với cha mẹ], ra thì thuận thảo [với bậc trưởng thượng], cẩn thận mà giữ niềm tin, rộng yêu mọi người mà gần gũi người nhân đức. Thi hành những điều đó còn thừa sức, thì hãy học văn". Thế có nghĩa là muốn học cái gì thì học, con người trước tiên phải biết hiếu đễ, thành tựu nhân đức. Cũng có nghĩa là muốn dạy gì thì dạy, người thầy trước tiên phải dạy được cho trò thành người có Nhân có Lễ.

Trang sách đầu tiên phải học đó chính là Đạo Đức, nếu như truyền tải được cảm hứng yêu thương đó là thành công của người làm thầy. (Ảnh: Zing.vn)

Trò không có Nhân, Lễ thì lại đuổi học trò, tạo thành vết nhơ trong đời chúng, đẩy chúng ra khỏi nơi cuối cùng có thể hy vọng được nuôi dưỡng thành người, đẩy chúng vào thế chống đối và mất niềm tin. Như thế, chẳng phải cũng thật đáng lo?

Khổng Tử cũng lại nói: "Dẫn dắt bằng biện pháp chính trị, ổn định bằng hình luật thì dân tránh được lỗi nhưng không biết xấu hổ. Dẫn dắt bằng đạo đức, ổn định bằng lễ giáo thì dân biết xấu hổ mà lại có khuôn phép chính đáng". Việc giáo dưỡng con trẻ cũng vậy thôi, dùng biện pháp kỷ luật thì có thể có tính răn đe nhưng không khiến trẻ xấu hổ, lại sinh oán giận, nổi loạn. Chân tình giáo dưỡng mới là cách làm từ gốc và triệt để hơn.

Quay lại với người thầy Frank Mc.Court ở trên, khi học trò của ông làm giả giấy phép để trốn học, ông biết cả nhưng không báo cho hiệu trưởng hay phụ huynh vì lo ngại họ sẽ phạt các em. Frank bao dung cho tất cả, cố gắng lý giải tại sao cậu học trò này lại ngỗ ngược và sẽ dùng tình thương để khơi lại niềm tin vào cuộc sống cho cậu bé. Các cô cậu học trò nhờ thế tự giác đi học đầy đủ hơn.

Bọn trẻ biết rằng khi bị thầy phát hiện việc làm sai thì chắc chắn sẽ bị mách bố mẹ. Chúng chờ đợi, có thể run sợ, cũng có thể lên sẵn tinh thần phản kháng, chống đối vô lối khi bị phát hiện. Nhưng ngược lại với sự tưởng tượng của chúng, khi người thầy thể hiện tấm chân tình rằng chỉ muốn những điều tốt cho chúng, chúng sẽ ngạc nhiên và tò mò. Ít nhất chúng sẽ bắt đầu quan sát và cảm nhận tình thương của thầy cô.

Nếu như người thầy có tâm ắt ai cũng biết rằng, những đứa học trò của mình đặc biệt hơn là những cô cậu "cá biệt", sẽ chẳng bao giờ quên được chúng. (Ảnh: Kiến Thức Net)

Hơn nữa, cái Thiện sẽ sinh ra cái Thiện và cái xấu cũng được sinh ra từ cái xấu. Chỉ một lần bị đuổi học, cuộc đời một con người có thể rẽ sang một lối đi tăm tối hơn rất nhiều. Vì đối với một đứa trẻ, ở vào hoàn cảnh đó là chẳng còn gì để mất. Khi con người ta chẳng còn gì để mất, người ta sẽ bất chấp tất cả, kể cả lương tâm của mình.

Làm thầy, là bậc "cư thượng" (ở trên), bởi người làm thầy là phải có đầy đủ phẩm hạnh, đối với lũ trẻ con chưa được học đạo đủ đầy, chưa có đủ trí lực mà hành lễ nghĩa cho tử tế, thì thầy là hơn mấy bậc. Vậy thì đương nhiên phải có lòng bao dung cho lỗi lầm của chúng.

Khổng Tử từng nói: "Ở bậc trên mà chẳng khoan dung, hành lễ mà chẳng cung kính, có tang mà chẳng buồn thương, ta làm sao quan niệm nổi?". Đó chính là ba loại người không thể giao thiệp. Thế nên bậc trên thì phải khoan dung, càng không thể trù dập, thoái thác trách nhiệm. Trong bộ Đại Học thuộc Lễ Ký cũng lại có câu: "Chưa từng có người trên ưa thích điều nhân mà người dưới không ưa thích điều nghĩa". Thầy nhân đức thì trò sẽ trọng nghĩa.

Đẩy học trò về với xã hội loạn lạc thì dễ, giúp chúng nên người mới khó. Làm thầy vốn chẳng phải việc đơn giản, thế nên mới trở thành nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Thuần Dương

Có thể bạn quan tâm:


  • Có một phương pháp giáo dục hiện đại đang dần hủy hoại tương lai của con trẻ

  • Sự khiêm nhường của vị lãnh đạo trong ngành giáo dục Ấn Độ: Giá trị cốt lõi của giáo dục nằm ở đâu?

  • Đạo làm thầy: Kiến thức chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là dạy cách làm người

Comments

Popular posts from this blog

Những thông điệp sâu sắc Nguyễn Du gửi gắm qua Truyện Kiều (P.3): Trời đất vô tình đâu có chiều theo cái tình của con người mà vận tác?

Người xưa coi văn chương là một hành vi sáng tạo rất thiêng liêng. Văn là để chuyên chở Đạo Đức. Nó như kim chỉ nam chỉ đạo những con chữ sinh thành dưới ngọn bút lông. Vì thế, văn chương là cái Chí, là quan niệm nghiêm túc về cuộc sống. Tài năng nhà thơ nhà văn có khả năng định hướng cho cả một cộng đồng đi vào cái Đẹp của Đạo đức cao cả. Chúng ta hãy chiêm nghiệm điều đó qua Truyện Kiều của Nguyễn Du.  Xem thêm: Phần 1  và  Phần 2 Trong đôi mắt nhiều tiên cảm về thân phận, nàng Kiều thấy điều chẳng lành trong lần đầu tiên chơi xuân. Đó là cảnh của một ngày trong mùa xuân muộn, rất riêng, rất đặc trưng về một ngày chơi xuân của 3 chị em Thúy Kiều. Ngày xuân con én đưa thoi …(Ảnh: pinterest.com) Ở đây, ngày xuân có sáng, có chiều, có lễ, có hội, có 3 chị em, có cái nhìn và tâm sự rất riêng tư của Kiều, có Kim Trọng, có Đạm Tiên, có đêm xuân thổn thức, có sáng hôm sau chim hót xa gần và có cả bông hoa liễu " b

Tứ đại cổ điển hí kịch (P.2): Mẫu Đơn Đình, thiên tình sử lãng mạn thiên thu

Trong bốn vở kịch cổ điển của làng kinh kịch Trung Hoa, có hai vở nói về tình yêu và hôn nhân trong thời xưa. Nếu như đánh giá Tây Sương Kí là một vở kịch có giá trị về chủ đề này thì người ta dường như chỉ dùng nó là đòn bẩy để tô vẽ lên một vở kịch được coi là lu mờ đi cả Tây Sương Kí, đó chính là vở Mẫu Đơn Đình. Mẫu Đơn Đình hay còn gọi là Hoàn hồn ký hay Đỗ Lệ Nương mộ sắc hoàn hồn ký là một trong những vở kịch nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Trung Quốc, do nhà soạn kịch nổi tiếng thời kỳ nhà Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598 mà đến nay vẫn được người Trung Hoa nghiên cứu dựng lại và diễn xướng. Tại sao Mẫu Đơn Đình lại làm lu mờ đi Tây Sương Kí, phải chăng tính li kì và cảnh giới cũng như thông điệp của Mẫu Đơn Đình mang theo là giá trị to lớn choáng ngợp đi Tây Sương hí kịch? Mẫu Đơn Đình cũng là một thiên tình sử lãng mạn thiên thu Đỗ Lệ Nương là con gái độc nhất của quan thái thú Nam An Đỗ Bảo. Nàng vừa xinh đẹp, dịu hiền, vừa thông minh, nhanh ý. Ngay từ nhỏ được đọ

Khi Giác Giả hạ thế, vì sao chúng ta không thể nhận ra Ngài?

Từ xưa đến nay, biết bao vị Giác Giả đã giáng hạ xuống nhân gian. Nhưng đường truyền Pháp gian nan, cứu người sao khó nhọc! Chuyện kể rằng… Nhiều ngàn năm về trước, nơi ấy từng là một vương quốc xinh đẹp, trù phú, nơi khởi phát của một nền văn minh rực rỡ huy hoàng. Các thánh điển cổ xưa còn ghi chép lại, từ trước khi Đức Phật Thích Ca đản sinh, thì Thần Phật đã từng giáng hạ xuống nơi này. Những vị Phật, vị Thần rất cổ và rất xưa ấy cũng thuyết Pháp độ nhân, và người tu hành khi ấy được gọi là các Bà-la-môn cao quý. Người ta tin rằng, các Bà-la-môn là gần với Thần Phật nhất, vì vậy mà tôn quý và luôn được cúng dường. Người người gặp họ đều lui bước nhường đường, quý tộc gặp họ đều chắp tay kính cẩn, ngay cả những hàng quý phái như vua chúa hay vương gia khi gặp họ cũng đều tự coi mình là thấp hơn một bậc. Nhưng trải qua thời gian đằng đẵng, tầng lớp Bà-la-môn — từ những vị hành giả tu luyện nơi non cao rừng vắng, hay từ những bậc chân tu chỉ chuyên tâm khổ hạnh tu hành — nay l